Viêm gan A là một loại bệnh nguy hiểm, dễ dàng lây truyền dù ở nhà trẻ hay trường học. Tuy nhiên, hiện bệnh này đã có vắc xin phòng ngừa và được phổ biến rộng rãi; nhất là với trẻ nhỏ. Nguồn lây của loại virus này có thể lây qua đường tiêu hoá, nguồn nước và thức ăn ô nhiễm; thậm chí là lây qua tay nếu không vệ sinh sạch sẽ. Không chỉ với viêm gan A, bố mẹ nên rèn cho trẻ thói quen ăn uống và vệ sinh sạch sẽ; lối sống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ toàn diện cho sức khoẻ của trẻ nhỏ.
Viêm gan A là gì?
Viêm gan A (hay còn gọi là Hepatitis A) là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính tại gan, gây ra bởi virus viêm gan A. Bệnh thường lây qua đường tiêu hoá. Virus viêm gan A ẩn náu trong phân và có thể lây truyền qua tay khi chưa được vệ sinh sạch sẽ. Loại virus này rất dễ dàng lan truyền ở nhà trẻ và trường học. Virus cũng có thể lây qua đường ăn uống từ nguồn thức ăn và nguồn nước bị ô nhiễm. Nó sống rất lâu và có thể tồn tại hàng tháng liền trên các bề mặt tiếp xúc; trong thực phẩm sống và cả trong nước thải.
Vắc xin viêm gan A giúp bảo vệ trẻ chống lại siêu vi viêm gan A, loại siêu vi gây ra bệnh gan. Hậu quả lâu dài của bệnh thường ít nghiêm trọng hơn so với viêm gan B hoặc viêm gan C. Tuy nhiên, ở trường hợp xấu nhất, nhiễm viêm gan A có thể gây tổn thương gan; và thậm chí gây tử vong. Hiện nay, Việt Nam là một trong số những nước có tỷ lệ nhiễm viêm gan cao nhất. Vì nhiều người – đặc biệt là trẻ em – không hề biểu hiện với bất kỳ triệu chứng nào; nên thật khó để biết chính xác có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh viêm gan A mỗi năm. Tuy nhiên, tiêm ngừa vắc xin có thể giúp kiểm soát tình trạng lây nhiễm bệnh.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng bệnh thường xuất hiện trung bình 4 tuần (15-50 ngày) sau khi nhiễm virus và thường kéo dài dưới 2 tháng; một số trường hợp có thể kéo dài đến 6 tháng. Tuy nhiên cũng có một số người bị bệnh mà không có triệu chứng gì. Người bệnh có thể có những triệu chứng sau:
– Sốt.
– Mệt mỏi..
– Mất cảm giác ngon miệng.
– Buồn nôn và nôn.
– Nước tiểu sậm màu.
– Vàng da, vàng mắt.
– Đau bụng vùng hạ sườn bên phải, nhất là khi ấn vào.
– Phân bạc màu và lỏng hơn bình thường.
Ở trẻ em dưới 6 tuổi thường nhiễm siêu vi A viêm gan A sẽ không có triệu chứng (70%), nếu có thì thường sẽ không có vàng da. 70% trẻ lớn hơn và người lớn sẽ có vàng da. Để xác định người bệnh có mắc bệnh viêm gan siêu vi A hay không, bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng bệnh, khám da và mắt để tìm dấu hiệu viêm gan, khám bụng để xác định gan có to hơn bình thường hay không. Sau đó bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm máu để xem hoạt động của gan có biểu hiện bất thường hay không và xác định loại virus nào gây viêm gan.
Tiêm phòng để hạn chế khả năng mắc bệnh
Những đối tượng nên tiêm ngừa bệnh này là:
– Tất cả trẻ em trên 1 tuổi.
– Người có bệnh gan mạn tính.
– Bệnh nhân được điều trị với yếu tố đông máu.
– Người làm việc liên quan đến vắc-xin viêm gan A trong các phòng thí nghiệm.
– Trẻ em, trẻ vị thành niên sống trong vùng có dịch viêm gan.
Để phòng ngừa bệnh cần tiêm 2 liều vắc xin, cách nhau ít nhất 6 tháng và có thể tiêm cùng lúc với các vắc-xin khác.
– Đối với trẻ em, liều đầu tiên có thể tiêm khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.
– Đối với những người khác, có thể tiêm bất cứ khi nào nếu có nguy cơ nhiễm viêm gan A.
Tuy nhiên một vài trường hợp cần cân nhắc khi tiêm phòng
Những người sau đây phải cẩn trọng khi tiêm ngừa vắc-xin viêm gan siêu vi A:
– Người có phản ứng dị ứng nặng với mũi tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi A lần đầu.
– Người có phản ứng dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin. Do vậy, hãy báo cho bác sĩ biết đã từng bị dị ứng nặng với những chất nào.
– Người đang bệnh ở mức độ trung bình hoặc nặng nên hoãn tiêm. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ thì có thể tiêm được.
– Nếu đang mang thai hãy thông báo cho bác sĩ biết.
Cũng như khi tiêm các vắc xin ngừa bệnh khác, phụ huynh và gia đình nên theo dõi các phản ứng sau tiêm. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường sau đây thì nên nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất:
– Sốt cao.
– Có thay đổi về hành vi.
Phản ứng dị ứng nặng gồm khó thở, khàn giọng, khò khè, nổi mề đay, da tái xanh, mệt, chóng mặt, mạch nhanh.